13
Luật về các bệnh ngoài da
Chúa phán cùng Mô-se và A-rôn rằng, “Khi ai bị da sưng phồng lên, bị ghẻ hay có vết trắng, nếu vết lở giống như bệnh ngoài da nguy hại thì phải mang người đó đến A-rôn là thầy tế lễ, hay đến một trong các con trai A-rôn đang giữ chức tế lễ. Thầy tế lễ phải khám vết lở trên da người đó. Nếu lông chỗ vết lở đã hoá trắng và vết lở lõm sâu hơn mặt da thì đó là bệnh ngoài da nguy hại. Sau khi khám xong, thầy tế lễ phải tuyên bố rằng người đó bị ô dơ.
Nếu vết trắng trên da không lõm sâu hơn mặt da và nếu lông trên vết không hóa trắng thì thầy tế lễ phải giữ riêng người ấy trong bảy ngày. Đến ngày thứ bảy thầy tế lễ sẽ khám lần nữa. Nếu thấy vết lở không thay đổi hoặc không lan ra trên da thì thầy tế lễ phải giữ riêng người thêm bảy ngày nữa. Đến ngày thứ bảy, thầy tế lễ sẽ khám trở lại. Nếu vết lở đã phai màu hoặc không lan ra trên da thì thầy tế lễ phải tuyên bố người đó tinh sạch; vết lở chỉ là vết ghẻ ngứa thường. Người phải giặt áo quần mình rồi sẽ được tinh sạch trở lại.
Nhưng nếu vết ghẻ ngứa lại lan ra sau khi thầy tế lễ tuyên bố người tinh sạch, thì người phải trở lại với thầy tế lễ lần nữa. Thầy tế lễ phải khám lại. Nếu vết ghẻ đã lan ra trên da thì thầy tế lễ phải tuyên bố người đó bị ô dơ; đó là bệnh ngoài da nguy hại.
Nếu ai mắc bệnh ngoài da nguy hại thì phải đem người đó đến thầy tế lễ, 10 thầy tế lễ sẽ khám. Nếu thấy có vết sưng trên da và nếu lông đã hóa trắng và da bị lòi thịt nơi chỗ sưng, 11 thì đó là bệnh ngoài da nguy hại. Người đã mắc bệnh nầy lâu rồi. Thầy tế lễ phải tuyên bố người bị ô dơ. Không cần giữ riêng người đó làm gì vì ai cũng biết người không tinh sạch.
12 Nhưng nếu bệnh ngoài da đã lan khắp thân thể người và phủ từ đỉnh đầu tới bàn chân theo chỗ thầy tế lễ thấy được, thì thầy tế lễ phải khám toàn thân thể người đó. 13 Nếu thầy tế lễ nhận thấy bệnh đã phủ kín khiến da người trở nên trắng hết thì thầy tế lễ phải tuyên bố người là tinh sạch. 14 Tuy nhiên nếu người có vết lở loét thì người xem như ô dơ. 15 Khi thầy tế lễ thấy vết lở loét thì phải tuyên bố người đó ô dơ. Vết lở loét không tinh sạch; đó là bệnh ngoài da nguy hại.
16 Nếu vết lở loét trở thành trắng lại thì người phải đến gặp thầy tế lễ. 17 Thầy tế lễ phải khám người đó, nếu thấy vết lở loét đã hoá trắng thì thầy tế lễ phải tuyên bố người có vết lở là tinh sạch. Người được xem như sạch.
18 Nếu ai có mụn nhọt trên da đã được lành 19 mà chỗ nhọt có vết sưng trắng hay vết đỏ hồng thì phải để thầy tế lễ khám nghiệm chỗ vết đó. 20 Thầy tế lễ sẽ khám nghiệm. Nếu vết lõm sâu hơn da và lông chỗ đó đã hoá trắng, thì thầy tế lễ phải tuyên bố người đó ô dơ. Vết đó là bệnh ngoài da nguy hại đã bộc phát ra từ chỗ mụn nhọt. 21 Nhưng nếu khi khám thầy tế lễ không thấy lông trắng nơi vết đó, và vết cũng không lõm sâu hơn mặt da mà đã phai màu, thì thầy tế lễ phải giữ người ấy riêng ra trong bảy ngày. 22 Nếu vết đã lan ra trên da thì thầy tế lễ phải tuyên bố người bị ô dơ; đó là bệnh sẽ ăn lan. 23 Nhưng nếu vết trắng không lan ra hay đổi màu thì đó chỉ là vết sẹo của mụn nhọt cũ. Thầy tế lễ phải tuyên bố người đó tinh sạch.
24 Khi ai bị vết bỏng trên da mà vết bỏng lở ra hoá trắng hay đỏ, 25 thì thầy tế lễ phải khám nghiệm. Nếu vết lõm sâu hơn da và nếu lông trên vết đó đã hoá trắng thì đó là bệnh ngoài da nguy hại. Bệnh đó đã bộc phát từ vết bỏng. Thầy tế lễ phải tuyên bố người đó ô dơ. Đó là bệnh ngoài da nguy hại. 26 Nhưng nếu khi khám nghiệm thầy tế lễ không thấy lông trắng nơi vết bỏng, và vết cũng không lõm sâu hơn da hay đã phai màu thì thầy tế lễ phải giữ riêng người đó trong bảy ngày. 27 Đến ngày thứ bảy, thầy tế lễ sẽ khám nghiệm trở lại. Nếu vết đã lan ra trên da thì thầy tế lễ phải tuyên bố người đó ô dơ. Đó là bệnh ngoài da nguy hại. 28 Nếu vết sáng không lan ra, nhưng đã phai màu thì đó chỉ là chỗ sưng của vết bỏng. Thầy tế lễ phải tuyên bố người tinh sạch, vì chỉ là sẹo của vết bỏng.
29 Khi người nào, nam hay nữ, có vết lở trên da đầu hay trên cằm, 30 thì thầy tế lễ phải khám nghiệm vết lở đó. Nếu vết lở lõm sâu hơn da và nếu tóc hay lông quanh vết đó thưa và ngả màu vàng, thì thầy tế lễ phải tuyên bố người đó ô dơ. Đó là ghẻ ngứa, một bệnh ngoài da nguy hại* của da đầu hay cằm. 31 Nhưng nếu khi khám nghiệm, thấy vết lở không lõm sâu hơn da và không có lông hay tóc đen trên đó, thì thầy tế lễ phải giữ riêng người trong bảy ngày. 32 Đến ngày thứ bảy, thầy tế lễ phải khám nghiệm vết lở trở lại. Nếu vết không lan ra và không có lông hay tóc vàng mọc trên đó, và vết lở cũng không lõm sâu hơn da, 33 thì người phải cạo tóc hay lông, nhưng chừa lại chỗ vết lở. Thầy tế lễ phải giữ riêng người đó trong bảy ngày nữa. 34 Đến ngày thứ bảy, thầy tế lễ phải khám lại vết lở. Nếu nó không lan ra trên da hay lõm sâu hơn da, thì thầy tế lễ phải tuyên bố người tinh sạch. Người sẽ giặt quần áo mình rồi trở nên sạch. 35 Nhưng nếu vết lở lan ra trên da sau khi người đã được tinh sạch, 36 thì thầy tế lễ phải khám nghiệm lại. Nếu vết lở đã lan ra trên da thì thầy tế lễ khỏi cần tìm lông hay râu vàng, người xem như ô dơ rồi. 37 Nhưng nếu thầy tế lễ nghĩ rằng vết lở chỉ tập trung ở một chỗ, không lan ra và tóc hay lông đen đã mọc lại trên vết đó, thì nghĩa là vết lở đã lành. Người ấy xem như tinh sạch. Thầy tế lễ phải tuyên bố người đó tinh sạch.
38 Khi người nam hay nữ có vết trắng trên da 39 thì thầy tế lễ phải khám nghiệm. Nếu là vết trắng đục, thì chỉ là ghẻ ngứa vô hại thông thường. Người xem như tinh sạch.
40 Ai bị rụng tóc trở thành sói thì vẫn xem như tinh sạch. 41 Nếu tóc rụng phía trước và trán bị sói thì vẫn xem như tinh sạch. 42 Nhưng nếu có vết trắng đỏ trên chỗ trán sói hay trên trán, thì có nghĩa bệnh ngoài da đã bộc phát chỗ đó. 43 Thầy tế lễ phải khám nghiệm người. Nếu chỗ sưng của vết lở nơi trán sói hay nơi trán có màu trắng hồng như thể bệnh ngoài da ăn lan, 44 thì người xem như mắc bệnh ngoài da. Người bị ô dơ. Thầy tế lễ phải tuyên bố người đó ô dơ vì vết lở trên đầu.
45 Nếu ai mắc bệnh ngoài da ăn lan thì người đó phải kêu lên cho người khác biết, ‘Ô dơ, ô dơ!’ Phải xé áo quần của mình nơi đường may, để đầu tóc bù xù và phải che miệng mình. 46 Trong suốt thời gian mắc bệnh người sẽ bị ô dơ. Vì ô dơ nên người phải sống một mình bên ngoài doanh trại.
47 Áo quần có thể bị mốc meo chẳng hạn các loại áo quần làm bằng vải hay len 48 dệt hay đan, loại làm bằng da thuộc, hay từ da thuộc chế biến ra. 49 Nếu có vết mốc trên áo quần, da thuộc, loại dệt hay đan mà ngả màu xanh lá cây hay đỏ, thì đó là vết mốc ăn lan. Phải mang đến cho thầy tế lễ khám nghiệm. 50 Thầy tế lễ phải khám vết mốc đó và sẽ giữ riêng món đồ đó trong vòng bảy ngày. 51 Đến ngày thứ bảy, thầy tế lễ sẽ khám trở lại. Nếu vết mốc đã lan ra trên miếng vải dệt hay đan, miếng da, dù là da dùng cho bất cứ công dụng gì, thì đó là loại mốc phá hoại, phải kể là ô dơ. 52 Thầy tế lễ phải thiêu hủy món đó. Không cần biết là đồ dệt hay đan, len hay vải, làm bằng da hay không, vết mốc đã lan ra, nên phải thiêu hủy món đồ đó.
53 Nếu nhận thấy vết mốc không ăn lan trên vải dệt hay đan hay trên da, 54 thì thầy tế lễ phải cho giặt rửa đồ vải hay da đó rồi giữ riêng món đồ trong bảy ngày nữa. 55 Sau khi vật bị mốc đã được giặt rửa xong, thầy tế lễ phải khám trở lại. Nếu vết mốc vẫn y như cũ, dù chưa lan ra, thì phải xem món đồ như ô dơ. Phải thiêu hủy trong lửa; dù cho vết mốc nằm bề mặt hay bề trái món đồ.
56 Nếu sau khi thầy tế lễ khám xét miếng vải hay da mà thấy vết mốc đã phai màu sau khi món đồ được giặt rửa, thì thầy tế lễ phải xé chỗ mốc ra khỏi miếng da hay vải. 57 Nếu vết mốc đã tái hiện trên miếng da hay vải đó, thì có nghĩa vết mốc đã ăn lan. Bất cứ chỗ nào có vết mốc cũng phải thiêu hủy. 58 Khi miếng vải hay miếng da được giặt rửa xong, không còn vết mốc, thì miếng vải đó vẫn phải được giặt lại một lần nữa, mới được xem như tinh sạch.
59 Trên đây là những huấn thị về vết mốc trên vải, trên da để qui định món nào sạch, món nào ô dơ.”
* 13:30 bệnh ngoài da nguy hại Đây có thể là bệnh cùi, hoặc một bệnh ngoài da hay lây. 13:45 để đầu tóc bù xù Chứng tỏ người ấy rất đau buồn về một việc gì đó.